Link tải: CON CÁI CHÚNG TA ĐỀU GIỎI

Lời giới thiệu

Bạn là một bậc cha mẹ luôn mong muốn những điều tốt nhất cho con mình? Bạn đang “vò đầu bứt tóc” với đứa con mới lớn ương ngạnh? Bạn đang tự hỏi đâu là phương pháp nuôi dạy con hiệu quả nhất?

Bạn đã tìm thấy lời giải đáp cho tất cả những vấn đề thường gặp của các bậc làm cha làm mẹ. Quyển sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi với những bí quyết giúp bạn làm trỗi dậy tài năng trong con bạn, được viết riêng cho BẠN đấy!

Bạn không hề đơn độc chút nào, nếu bạn đang ở trong một hay những tình huống sau:

* Bạn đau lòng khi chứng kiến đứa con vốn học khá giỏi trong trường nay bỗng dưng mất hết hứng thú học tập.
* Bạn trăn trở một cách vô vọng không hiểu chuyện gì xảy ra với đứa con suốt ngày trốn biệt trong phòng và bỏ ra hàng giờ “nấu cháo” điện thoại bằng một thứ ngôn ngữ mà bạn không thể hiểu được.
* Bạn phát hoảng lên và cảm thấy dường như không thể có tiếng nói chung với đứa con bỗng tỏ ra lầm lỳ, thậm chí suốt ngày mặt sưng mày sỉa và trở nên xa lạ đối với cha mẹ.
* Bạn đau đầu khi thấy đứa con vừa về nhà là lao vào máy vi tính chơi game đến tận tối mịt và bỏ ngoài tai mọi lời khuyên ngon ngọt hay cứng rắn của bạn.

Quyển sách Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi sẽ mang đến cho bạn lời giải đáp xác đáng cho những vấn đề gốc rễ sâu xa nhất trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Khi đọc quyển sách này, bạn cũng sẽ biết được:

* Bốn dạng cha mẹ chính là gì? Và bạn sẽ thấy không có gì ngạc nhiên khi việc nuôi dạy con cái của bạn trở thành một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Dĩ nhiên sau đó, bạn sẽ biết được cách để… lập lại hòa bình như ý muốn.
* Lý do gì khiến bọn trẻ nghiện game đến thế? Và bạn phải làm gì để giúp chúng thoát khỏi thế giới ảo của game và trở về với thực tại?
* Làm thế nào để bạn hiểu được vấn đề THẬT SỰ của con trước khi giang tay giúp đỡ?
* 5 điều con cái mong muốn nhất từ cha mẹ.
* 4 mục tiêu lớn nhất mà con cái khao khát đạt được trong cuộc sống.

Và còn nhiều hơn thế nữa…

Chúng tôi tin rằng bạn sẽ tìm được phương pháp nuôi dạy con hiệu quả nhất trong quyển sách này!

Trích dẫn :

Chắc hẳn không một bậc cha mẹ nào không mong muốn con mình thành công và hạnh phúc. Vậy vai trò của bạn là gì và bạn phải làm gì để giúp con đạt được điều ấy? Chắc chắn, bạn rất mong mình đóng một vai trò quan trọng trong đó, thế nên quyển sách này mới nằm trong tay bạn. Và tôi hiểu nỗi băn khoăn của bạn.

Cũng có thể bạn đã bắt đầu cảm nhận được những vấn đề của người làm cha làm mẹ. Có lúc bạn nghĩ con mình đang sống trong một chiều “không gian” khác, thậm chí một hành tinh khác. Vâng, bạn không phải là người duy nhất nghĩ như thế.

Bạn trăn trở một cách vô vọng không hiểu chuyện gì xảy ra với cu Bim hay bé Na vốn ngoan ngoãn vui tươi, líu ríu nói chuyện cả ngày, nay chỉ trả lời nhát gừng những câu hỏi quan tâm của bạn, nhưng lại trốn biệt trong phòng bỏ ra hàng giờ thì thầm và rúc rích chuyện trò với cái máy điện thoại bằng một thứ ngôn ngữ bạn không hiểu được. Nhưng bạn không đơn độc trong tình huống này.

Cũng có khi bạn phát hoảng lên, cảm thấy dường như không thể có một tiếng nói chung với đứa con bỗng tỏ ra lầm lỳ, thậm chí suốt ngày mặt sưng mày sỉa và trở nên xa lạ đối với cha mẹ. Thật đau lòng khi chứng kiến đứa con vốn học khá giỏi trong trường nay bỗng dưng mất hết hứng thú học tập, học bạ toàn điểm dưới trung bình mà vẫn chẳng mảy may buồn tủi, như thể đấy không phải là chuyện của nó. Vâng, đó là chuyện đau đầu mà nhiều gia đình gặp phải.

Thật oái ăm, trong thâm tâm bạn biết và tin rằng con mình có khả năng – bạn cảm nhận được điều đó, nhưng không hiểu vì sao nó không còn tập trung hoặc đánh mất động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Và bạn, với tư cách người làm cha làm mẹ, hiểu rõ động lực trong học tập cũng như trong cuộc sống có một tầm quan trọng như thế nào đối với con trẻ; nó giúp trẻ xác định rõ đích đi tới, hoàn thành từng mục tiêu đề ra và nhờ thế, thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào mà trẻ đã chọn. Bạn hết lòng muốn giúp đỡ con, khuyên bảo con và trở thành một phần trong cuộc sống của con như trước kia… thế mà bạn chỉ có cảm giác khoảng cách giữa mình và con càng lúc càng xa hơn…

“Làm thế nào để trò chuyện và khích lệ con cái?” – nhiều phụ huynh từng hỏi tôi như thế. Nhiều người (nhất là những người có con trong độ tuổi mới lớn) nói với tôi rằng, họ không hiểu được con mình nghĩ gì, cớ sao chúng cứ chúi mũi hàng giờ vào những trò chơi vô bổ trên máy vi tính.

Vấn đề là ở chỗ, những ký ức và kinh nghiệm về thời thơ ấu của chúng ta, cùng với cách dạy bảo của cha mẹ ta hình như không liên quan, và càng không thể áp dụng vào việc dạy con trong bối cảnh xã hội đang thay đổi từng ngày như hiện nay. Điều này còn trở nên khó hơn với những bậc phụ huynh trong độ tuổi 40, họ vẫn còn nhớ ngày xưa mình ngoan ngoãn nghe lời người lớn, dùi mài đèn sách và luôn hiếu kính với cha mẹ ra sao. Thế mà giờ đây, khi cũng làm cha làm mẹ, họ hoang mang không biết phải làm gì với những đứa con cứ muốn tách rời hoặc cưỡng lại lời cha mẹ.

Tuy vậy, bạn chưa đến mức phải tuyệt vọng. Bạn không cần và không nên tiếp tục “chiến đấu” một cách mệt mỏi và gần như vô vọng với những “thiên thần nổi loạn” trong độ tuổi mới lớn nữa. Với cách tiếp cận đúng đắn và những cách thức giao tiếp phù hợp với con cái, bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng hai thế hệ có thể vui vẻ bên nhau và chung tay vun đắp cho thành công cũng như lợi ích của đôi bên. Con bạn có thể trở nên cực kỳ hiểu chuyện, biết quan tâm đến người khác… nhưng chỉ khi chúng được sống trong bầu không khí yêu thương, cảm thấy mình được cha mẹ tôn trọng. Và đến lượt mình, chúng sẽ học cách bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành.

Chắc hẳn bạn đang chau mày nghi ngờ điều tôi nói và tự hỏi, “Sao tôi lại phải tôn trọng thằng con cứng đầu luôn cãi bướng, trong khi lý ra nó phải kính trọng cha mẹ như tôi ngày xưa?”, “Làm sao dám mong đứa con lỳ lợm tỏ lòng biết ơn trong khi nó không thèm biết đến hàng trăm thứ việc mà tôi âm thầm làm hàng ngày và hy sinh cho nó?”. Xin hãy kiên nhẫn bạn nhé, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời sau khi đọc xong quyển sách này.

ĐỌC THỬ

CÓ BỐN DẠNG CHA MẸ TRÊN ĐỜI

Văn hào vĩ đại Lev Tolstoy từng nói, các gia đình hạnh phúc đều giống nhau còn những gia đình bất hạnh thì đau khổ mỗi nhà một kiểu. Các nhà tâm lý học nói, có hàng triệu những cặp cha mẹ trên đời nhưng tựu chung chỉ có bốn dạng chính. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và hình dung về bốn dạng cha mẹ thường gặp này. Nếu bạn thấy mình thuộc bất kỳ dạng nào trong số đó hoặc pha trộn giữa các dạng thì bạn sẽ hiểu rõ một điều: cớ sao việc làm cha mẹ, đối với phần đông chúng ta, lại trở thành một nhiệm vụ khó khăn đến thế.

Dựa vào tiêu chí nào để phân biệt các dạng cha mẹ? Chính là các phương pháp mà cha mẹ dùng để dạy con. Cụ thể hơn là cách họ nói chuyện với con cái, cách họ khích lệ khi chúng làm việc tốt, cách họ trừng phạt hay phê phán khi chúng làm điều sai, cách họ đáp lại hay không đáp lại những đòi hỏi tinh thần và vật chất của chúng…

Các cuộc khảo sát cho thấy các bậc cha mẹ áp dụng nhiều phương pháp dạy dỗ con cái khác nhau, từ các phương pháp truyền thống được truyền lại từ đời trước, cho đến các phương pháp “thế hệ mới” của các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi dạy con. Một số phương pháp mang lại hiệu quả, trong khi các phương pháp khác thì hoàn toàn vô ích. Nói về cách giao tiếp với con, bạn có thường sử dụng một số cách nói như sau không?

– “Con tưởng mẹ là con hầu của con đấy à?”

– “Mày nghĩ tao là cái máy in tiền chắc?”

– “Con cho ba là thằng ngu sao?”

– “Có phải con nghĩ nhà này là cái nhà trọ, còn con chỉ là kẻ ăn nhờ ở đậu không?”

– “Mày có còn coi chúng tao là cha mẹ nữa hay không?”

– “Con có nghe không đấy? Mẹ đang nói chuyện với con!”

– “Biết là một chuyện, làm lại là một chuyện khác!”

– “Con tưởng mẹ là con nít ba tuổi hả?”

– “Con bị cái giống gì vậy? Trong đầu con chỉ có bùn đất thôi à?”

Có câu nói nào quen thuộc đối với bạn không? Bạn có cảm thấy áy náy khi dùng những câu tiêu cực như trên không? Nếu có thì bạn cũng không phải là trường hợp cá biệt, nhiều bậc phụ mẫu khác cũng nói những câu tương tự, thậm chí còn nặng nề hơn, mặc dù không ai trong chúng ta không nỗ lực hết mình với mong muốn trở thành những bậc cha mẹ tốt. Vì không có nhiều ngôi trường dạy người ta cách làm cha mẹ, thế nên thường thì chúng ta bắt chước một cách vô thức hoặc có ý thức cách mà cha mẹ ngày xưa đối đãi với chúng ta. Cũng có trường hợp nếu ta nghĩ cha mẹ mình xưa kia quá nghiêm khắc, thì nay ta nên làm một cuộc “cách mạng” bỏ hết tất cả những quy định nghiêm ngặt bắt con cái phải thế này thế nọ mà tạo cho chúng một cuộc sống thoải mái, tự do.

Không có một mẫu số chung cố định nào cho từng dạng cha mẹ, tôi sẽ miêu tả họ trên những nét chung nhất. Bạn thử xem mình thuộc vào dạng nào sau đây nhé.

Bậc cha mẹ tiêu cực

Gọi họ là cha mẹ tiêu cực bởi vì họ dạy dỗ con bằng những biện pháp “tiêu cực”, phương châm của họ là “cha mẹ nói cái gì cũng đúng” và vì thế mà… thất bại. Nhưng họ không nhận ra điều đó. Họ biết rằng Greg của họ thông minh nhưng không chịu cố gắng, vì thế mà bằng mọi cách phải thúc ép nó “cho bằng anh bằng em”. Khi Greg còn bé, họ thường dùng roi vọt để cho cậu vào khuôn khổ mỗi khi cậu lười biếng hay bị điểm kém. Chẳng lạ gì, cậu bé đến lớp với những vết roi hằn trên tay chân, biến cậu thành trò cười cho cả lớp.

Đến khi Greg lớn lên một chút, họ chuyển chiến thuật sang so sánh cậu với người anh, vì anh cậu có thành tích học tập tốt. Những câu kiểu như thế này được lặp đi lặp lại hàng ngày, “Sao mày không bằng được cái móng tay anh mày? Xem đấy, anh mày chăm chỉ học hành biết bao. Còn mày tối ngày chỉ biết chơi điện tử. Mỗi khi bảo học bài, thì dài mồm ra kêu mệt. Giá mà mày có được nửa bộ óc của anh mày thì có phải chúng tao cũng có phận nhờ không.”

Không có gì ngạc nhiên, Greg luôn có cảm giác buồn tủi và chán nản; người lớn không hiểu được là cậu cũng có lúc cần nghỉ ngơi thư giãn chứ. Không phải cậu không muốn học, cậu chỉ cảm thấy khó tập trung vào bài học. Ngoài ra, cậu không khỏi tủi thân khi luôn bị cha mẹ đem ra so sánh với người anh trai giỏi giang và là niềm tự hào của gia đình, còn cậu thì bị gán cho những danh hiệu khó nghe như “lười biếng”, “ngu đần”, “vô tích sự”,…

Dần dần, Greg học được cách chấp nhận “số phận” của mình. Tới tấp nhận những lời chỉ trích cay nghiệt từ cha mẹ, cậu tin chắc mình không có cơ may thành công trong đời, và dù có làm gì thì cậu cũng không bao giờ bằng được người anh sáng láng của mình. Đó là lý do tại sao Greg thích dành nhiều thời gian cho bạn bè đồng thời xa lánh gia đình càng nhiều càng tốt. Cậu cảm thấy chỉ có những người bạn này mới hiểu cậu, chấp nhận con người cậu như nó vốn thế, thậm chí còn tôn trọng cậu, những điều mà cậu không bao giờ tìm thấy trong gia đình mình. Cậu muốn ở bên bạn bè càng nhiều càng tốt, cùng họ xem những bộ phim, chơi những trò chơi ưa thích và không muốn nghĩ điều gì xa hơn nữa.

Bậc mẹ cha thích sự hoàn hảo

Đây là những người yêu thích những gì tròn trịa và toàn bích. Ann, con gái rượu duy nhất của họ, năm nay 15 tuổi và đang theo học ở một trường danh tiếng. Cô là niềm hãnh diện và niềm vui của cha mẹ. Họ yêu thương cô hết lòng và trông đợi rất nhiều ở cô. Họ mong Ann đỗ vào trường Y trong khi cô thầm mơ ước trở thành nhà khoa học nghiên cứu môi trường. Cô không dám nói cho cha mẹ biết vì sợ sẽ làm họ thất vọng. Cha mẹ đã đầu tư quá nhiều cho tương lai của cô. Ngoài việc học ở những trường hàng đầu, cô còn được học thêm nhiều thứ khác với mục đích hoàn thiện bản thân. Cô phải biết múa ba lê, vì mẹ cô ngày xưa mơ mình múa trong vở “Hồ thiên nga” nhưng bà đã không thực hiện được. Ngoài ra, cô còn học thêm đàn dương cầm, đàn vĩ cầm, học vẽ tranh, học đánh tennis … và còn nhiều thứ khác. Ann chẳng phải lo nghĩ gì, cha mẹ đã lên kế hoạch cho tương lai của con gái đâu vào đấy. Họ hy vọng cô sẽ thực hiện được ước mơ và hoài bão của chính họ. Trước mặt người thân và bạn bè, họ chỉ toàn khen ngợi con gái. Khi Ann đạt thành tích cao trong học tập hoặc giành được các giải thưởng văn thể mỹ, cha mẹ cô luôn lấy đó làm bằng chứng để mọi người thấy con gái họ thông minh và xuất sắc như thế nào.

Họ không cho phép cô đi chơi với bạn bè đồng trang lứa vì sợ cô bị ảnh hưởng xấu từ “lũ bạn bè tầm thường” và không có thời gian học tập. Vì thế, Ann chỉ quanh quẩn ở nhà. Thú vui của cô gói gọn trong những thói quen mà cha mẹ cô cho là lành mạnh và bổ ích như đọc sách, nghe nhạc cổ điển, xem truyền hình cáp chương trình Discovery Chanel, hoặc chơi đàn.

Ngày nào cha mẹ cũng hỏi thăm Ann về những chuyện xảy ra ở trường. Cô chỉ kể cho họ nghe những việc tốt đẹp cô đã làm hay những thành tích lớn nhỏ cô đạt được. Cô rất vui khi thấy vẻ mặt cha mẹ sáng lên niềm tự hào. Cô tin rằng mình làm đúng và đó là lý do tại sao cô không bao giờ kể cho họ nghe những gì thật sự xảy ra ở trường hay trong nội tâm cô.

Ann thường có cảm giác cô đơn, lạc lõng vì cô gặp khó khăn trong giao tiếp với bạn bè. Họ thường bàn về những bộ phim mới ra và mốt áo quần, trong khi cô mù tịt về những vấn đề đó. Có lần, cô đã bật khóc khi bị một đứa bạn gọi là “lập dị”. Đôi khi, Ann cảm thấy bất mãn khi cha mẹ kiểm soát cuộc đời mình đến từng xăng ti mét, dù cô vẫn biết rằng họ làm vậy vì thương yêu cô.

Ngoài ra, vì được bảo bọc quá kỹ, Ann mất dần khả năng hòa nhập với xã hội và khắc sâu cảm giác lạc loài cô đơn giữa mọi người

Trả lời